Tăng cường tiêm bù, tiêm vét vắc xin Sởi – Rubella hoàn thành trong tháng 3/2025
Tính từ đầu năm 2025 đến ngày 15/3, theo báo cáo của Bộ Y tế, cả nước đã ghi nhận khoảng 40.000 ca nghi mắc bệnh sởi, trong đó có 5 trường hợp tử vong liên quan đến căn bệnh này.
Theo các chuyên gia thuộc Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm – Bộ Y tế, nguyên nhân khiến số ca mắc sởi gia tăng chủ yếu là do tốc độ tiêm chủng chưa bắt kịp tốc độ lây lan của dịch bệnh. Giai đoạn 2020–2021, do ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, tỷ lệ tiêm chủng không đạt yêu cầu; thậm chí có thời điểm thiếu vắc xin sởi – rubella trong Chương trình tiêm chủng mở rộng (TCMR), khiến tỷ lệ tiêm chủng tại nhiều địa phương sụt giảm.
Để ngăn chặn các đợt bùng phát dịch, giảm tử vong và tiến tới loại trừ bệnh sởi, tỷ lệ tiêm chủng cần đạt từ 95% trở lên. Tuy nhiên, thống kê năm 2024 cho thấy, tỷ lệ tiêm mũi 1 vắc xin sởi cho trẻ 9 tháng tuổi mới đạt 87,4%, trong khi mũi 2 (sởi – rubella) cho trẻ 18 tháng tuổi đạt 97,7%.
Việt Nam hiện đang bước vào chu kỳ dịch sởi kéo dài 5 năm một lần. Riêng trong năm 2024, đã có 110 trẻ tử vong do bệnh sởi. Bệnh này lây truyền qua đường hô hấp, với khả năng lây lan cao – 90% người chưa có miễn dịch sẽ mắc bệnh nếu tiếp xúc gần với người bệnh, và trung bình mỗi ca mắc có thể lây cho 12–18 người khác.
Bộ Y tế nhấn mạnh, tiêm vắc xin là biện pháp hiệu quả nhất để kiểm soát bệnh sởi. Các địa phương cần chủ động mua sắm vắc xin, bố trí kinh phí, đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng. Cha mẹ nên tích cực đưa con đi tiêm khi được y tế địa phương thông báo, đồng thời thực hiện các biện pháp phòng bệnh như đeo khẩu trang và cách ly người mắc.
Theo Cục Phòng chống bệnh truyền nhiễm, dịch sởi đã xuất hiện tại hầu hết các tỉnh, thành phố. Trong đó, khu vực miền Nam chiếm 57% tổng số ca, miền Trung 19%, miền Bắc 15% và Tây Nguyên 9%. Một số địa phương có số ca mắc tăng cao gồm: Cao Bằng, Nghệ An, Khánh Hòa, Đắk Lắk, Gia Lai, Đồng Tháp, An Giang và Lâm Đồng.
Phân tích cho thấy, trẻ từ 9 tháng đến dưới 15 tuổi chiếm 73% tổng số ca mắc, trong khi nhóm dưới 6 tháng tuổi chiếm 5% và nhóm từ 6–9 tháng tuổi là 10%. Tỷ lệ mắc bệnh ở trẻ nam là 56%, cao hơn nữ (44%). Đáng chú ý, 91% số ca mắc sởi chưa từng được tiêm vắc xin, 5% không rõ tiền sử tiêm chủng, chỉ có 4% đã được tiêm đầy đủ.
Dự báo trong thời gian tới, số ca mắc sẽ tiếp tục tăng, đặc biệt tại các khu vực có tỷ lệ tiêm chủng thấp, vùng sâu, vùng xa, miền núi – nơi người dân tiếp cận dịch vụ y tế còn hạn chế.
Ngay từ đầu năm 2025, Bộ Y tế đã phát động chiến dịch tiêm vắc xin phòng sởi trên toàn quốc. Có 24 tỉnh, thành phố triển khai tiêm vắc xin sởi cho trẻ từ 6–9 tháng tuổi và từ 1–10 tuổi; đồng thời có 17 địa phương thực hiện tiêm vắc xin sởi – rubella cho nhóm trẻ từ 1 đến 10 tuổi.
Tại Khánh Hòa, địa phương ghi nhận 4 ca sởi đầu tiên vào tháng 8/2024, đến ngày 15/3/2025 đã ghi nhận 652 ca sởi dương tính, tổng số ca sốt phát ban nghi sởi là 2.615 ca, chưa ghi nhận trường hợp tử vong. Trong năm 2024, tỉnh có 1.100 ca nghi sởi, đã xét nghiệm 895 mẫu với kết quả 652 ca dương tính, 243 ca âm tính. Trong năm 2025, tính đến 15/3, toàn tỉnh ghi nhận 1.515 ca nghi sởi, lấy mẫu 1.315 trường hợp, hiện Viện Pasteur Nha Trang đang tiến hành xét nghiệm.
Phân bố theo địa bàn, TP. Nha Trang chiếm nhiều nhất với 1.018 ca (38,9%), tiếp theo là huyện Vạn Ninh (513 ca – 19,6%), thị xã Ninh Hòa (351 ca – 13,5%), huyện Diên Khánh (343 ca – 13,1%), TP. Cam Ranh (171 ca – 6,5%), huyện Cam Lâm (118 ca – 4,5%), huyện Khánh Vĩnh (59 ca – 2,3%) và huyện Khánh Sơn (41 ca – 1,6%). Nam giới chiếm 55% tổng ca bệnh, nữ giới 45%. Về độ tuổi, nhóm trẻ dưới 1 tuổi chiếm 9,6%, 1–5 tuổi chiếm 36,7%, 5–15 tuổi chiếm 27,9%, và trên 15 tuổi chiếm 25,8%.
Trong chiến dịch tiêm vắc xin sởi – rubella, Khánh Hòa được phân bổ 18.560 liều, triển khai tại 143 điểm tiêm trên địa bàn 08 huyện, thị xã, thành phố, bao gồm 129 trạm y tế và 14 trường học. Tính đến ngày 14/3/2025, toàn tỉnh đã tiêm được 10.323/13.324 đối tượng, đạt tỷ lệ 77,5%. Cụ thể:
-
TP. Nha Trang: 1.657 mũi (58,9%)
-
Huyện Vạn Ninh: 1.069 mũi (76%)
-
TX. Ninh Hòa: 2.219 mũi (96,4%)
-
Huyện Diên Khánh: 609 mũi (78,3%)
-
Huyện Cam Lâm: 1.092 mũi (65,1%)
-
TP. Cam Ranh: 886 mũi (76,9%)
-
Huyện Khánh Vĩnh: 422 mũi (81,6%)
-
Huyện Khánh Sơn: 555 mũi (86,7%).
Trở thành người đầu tiên bình luận cho bài viết này!